Blog Tôi Đầu Tư xin hướng dẫn bạn 4 tiêu chí chọn cổ phiếu tiềm năng để đầu tư. Các nhà đầu tư cá nhân hoặc những bạn chưa biết gì đều có thể dựa vào hướng dẫn này để lựa chọn ra những cổ phiếu phù hợp và có triển vọng.
Chọn cổ phiếu tốt hay tiềm năng để đầu tư tức là bạn đang chọn một công ty để mua. Đây là một tư tưởng chủ đạo mà bạn cần nhớ.
Nếu bạn mua một ít cổ phiếu của một công ty nào đó, bạn gọi là cổ đông của công ty đấy dù tỷ lệ sở hữu không nhiều. Thế nên bạn phải biết rằng cổ phiếu là một phần của công ty và bạn là chủ sở hữu của nó.
Như vậy, một cổ phiếu tốt/tiềm năng là một công ty tốt/tiềm năng, thường là sẽ có những phẩm chất sau:
(1) Có ý nghĩa đối với bạn;
(2) Đơn giản;
(3) Có rào cản cạnh tranh tốt;
(4) Ban giám đốc điều hành vì lợi ích cổ đông.
Chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết về từng phẩm chất này của các cổ phiếu tiềm năng dưới đây:
Tóm tắt nội dung
Phẩm chất 1. Lĩnh vực kinh doanh của công ty đó có ý nghĩa đối với bạn
Câu hỏi đầu tiên mà bạn cần hỏi khi nghiên cứu các cổ phiếu tiềm năng để đầu tư là những công ty này có ý nghĩa gì với bạn không?
Ý nghĩa ở đây muốn nói đến hiểu biết của bạn về ngành/lĩnh vực kinh doanh mà công ty bạn đang nghiên cứu để đầu tư.
Nếu một ngành nào có ý nghĩa với bạn, bạn sẽ hiểu được môi trường cạnh tranh của công ty. Từ đó nhận thức được những khó khăn, dự đoán được triển vọng tương lai của các cổ phiếu này.
Ví dụ:
– Bạn là nhà môi giới bất động sản, thì bạn sẽ có cái nhìn thấu đáo về lĩnh vực này hơn những người ngoài nghề.
– Bạn là bác sỹ, hãy tìm hiểu cổ phiếu của các công ty dược.
– Bạn là một kỹ sư điện máy, hãy xem xét các cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực này.
– …
Bạn có thể vào website cophieu68.vn hoặc cafef.vn, chọn lĩnh vực kinh doanh mà bạn am hiểu, sau đó tiếp tục nghiên cứu các cổ phiếu tiềm năng được liệt kê trong ngành của bạn ở các phẩm chất bên dưới.
Nếu bạn không thực sự am hiểu một ngành nào thì sao?
Hãy bắt đầu với cuộc sống thường ngày của bạn. Theo Peter Lynch (nhà quản lý quỹ đầu tư vĩ đại) thì: mỗi năm, một người bình thường có thể bắt gặp hai hay ba hoặc nhiều hơn những cơ hội khả thi để quyết định đầu tư chứng khoán với những cổ phiếu xung quanh họ.
Hãy bắt đầu với những nơi lân cận nhà bạn, những quán cafe, những khu mua sắm mà bạn hay ăn uống với những nhãn hàng bán chạy mà bạn đã chứng kiến.
Và tìm hiểu xem, những nhãn hàng này thuộc công ty nào sản xuất/phân phối, chúng có được niêm yết trên sàn chứng khoán hay không? Các nhãn hiệu thành công này có chiếm tỷ lệ cao trong doanh thu của các công ty đó (một công ty có thể bán nhiều mặt hàng)?
Điểm thú vị khi đầu tư vào cổ phiếu của những công ty quen thuộc như Dunkin’ Donuts, McDonald’s theo quan điểm của Lynch là khi bạn đi những đôi tất chân hay nhâm nhi những ly cafe, bánh burger quen thuộc thì cũng là lúc bạn đang tiến hành phân tích chứng khoán.
Đi thăm và trải nghiệm các sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng khi phân tích chứng khoán. Đây là công việc thường làm của các chuyên viên phân tích.

Trải qua việc mua ô tô hay máy ảnh, bạn sẽ phát triển các giác quan về cái gì tốt, cái gì xấu. Nếu bạn không biết về ô tô, thì bạn cũng sẽ biết về cái gì đó khác, phải không?
Phẩm chất 2. Công ty đó đơn giản và dễ hiểu
Sau khi thu gọn lĩnh vực kinh doanh và lọc ra những cổ phiếu của các công ty tiềm năng ở phẩm chất 1, chúng ta cần quan tâm những công ty có hoạt động kinh doanh đơn giản.
Hãy nhìn vào những dòng giải thích nghiệp vụ kinh doanh của một công ty dưới đây và cho tôi biết nó đang nói về những gì:
Bạn cảm thấy thế nào khi đọc những dòng trên?
Trên thực tế Enron, một trong bảy công ty lớn nhất nước Mỹ năm 2007, đã làm giả báo cáo tài chính và che đậy những khoản lỗ khổng lồ bằng cách tung hoả mù như trên. Nó rắc rối và phức tạp để các nhà đầu tư và phân tích chứng khoán không thể bóc mẽ được những mờ ám của nó.
Chọn một công ty đơn giản, dễ hiểu để đầu tư sẽ tốt hơn một công ty phức tạp. Chúng thường có ít vấn đề xảy ra và nếu xảy ra thì cũng dễ xử lý hơn.
Với những công ty có nghiệp vụ kinh doanh đơn giản, bạn cũng dễ dự đoán dòng tiền tương lai và xác định được giá trị thật của nó.
Phẩm chất 3. Có lợi thế cạnh tranh tốt
Một doanh nghiệp tuyệt vời đòi hỏi có khả năng bảo vệ chính mình trước sự tấn công của các đối thủ cạnh tranh.
Rõ ràng rằng, bạn muốn cổ phiếu của công ty mà bạn đã mua tăng giá trong tương lai, bạn muốn công ty này thành công trên thương trường và tiếp tục phát triển trong nhiều thập kỷ tới.
Điều này sẽ xảy ra nếu công ty có lợi thế cạnh tranh tốt.
Ý tưởng về một lợi thế cạnh tranh rất đơn giản: nếu một công ty dễ dàng bị đối thủ xâm nhập thị trường thì có thể công ty đó không có lợi thế cạnh tranh và ngược lại.
Các hàng rào cạnh tranh, ngăn đối thủ tấn công và hạ gục công ty thường bao gồm:
– Nhãn hiệu: sản phẩm mà bạn sẵn lòng trả tiền nhiều hơn vì bạn tin tưởng nó. Bạn cũng không dễ dàng chuyển qua sử dụng sản phẩm của một nhãn hàng khác.
– Bí quyết: công ty có nhiều bằng sách chế/bí quyết kinh doanh khiến đối thủ gặp nhiều khó khăn hoặc phạm pháp nếu xâm nhập thị trường.
– Giá cả: công ty có thể định giá sản phẩm mình rất thấp (vẫn có lời) khiến không ai có thể cạnh tranh được. Hoặc ngược lại, do độc quyền nên có thể định giá rất cao mà không sợ đối thủ ở phân khúc giá rẻ.
– Tài sản ngầm: công ty có những sản phẩm “ngầm” có giá trị lớn mà không thể hiện trên báo cáo tài chính: như nhãn hiệu, quyền khai thác,…
– …
Các lợi thế cạnh tranh này thường thể hiện qua các chỉ số tài chính dưới đây:
– Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư ROIC;
– Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu;
– Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu EPS;
– Tỷ lệ tăng trưởng giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu BVPS;
– Tỷ lệ tăng trưởng dòng tiền tự do FCF.
– Tỷ suất lợi nhuận gộp (trên 30%)…
Các tỷ lệ tăng trưởng bên trên thường là lớn hơn 10%/năm.
Tôi sẽ giải thích cụ thể hơn về các chỉ số này trong các bài viết khác trên Blog Tôi Đầu Tư.
Phẩm chất 4. Ban giám đốc điều hành vì lợi ích cổ đông
Sẽ thật tuyệt nếu công ty (cổ phiếu) bạn mua có những người điều hành xứng đáng và hết lòng vì lợi ích của công ty chứ không phải vì lợi ích bản thân.
Những điều mà bạn nên tìm kiếm ở ban điều hành là gì để có thể yên tâm sở hữu cổ phiếu của công ty đó?
Đó là sự minh bạch, hướng tới lợi ích của cổ đông, có định hướng tốt.
Tuy nhiên, rất khó để có thể hiểu được những người quản lý nếu bạn là nhà đầu tư nhỏ. Bạn không thể tiếp cận được họ, hiểu được tính cách của họ như thế nào, định hướng công việc ra sao v.v…
Ngoại trừ một số công ty lớn thì người lãnh đạo thường được phỏng vấn trên báo chí như công ty Thế Giới Di Động, FPT, VNM.
Thế nếu bạn đang để ý các công ty nhỏ thì sao? Tôi sẽ chỉ cho bạn cách.
Những thông tin bạn cần tìm hiểu dưới đây đều có trong báo cáo tình hình quản trị công ty, báo cáo tài chính,…
Đầu tiên, tôi muốn rằng các nhà quản lý này cũng sở hữu cổ phiếu của công ty.
Họ là người quản lý và cũng là cổ đông như chúng ta. Vì lẽ đó, họ sẽ có những hành động vì lợi ích cổ đông hơn.
Và tôi sẽ cảm thấy e ngại nếu nhận thấy các nhà quản lý này: CEO, CFO,… đang bán ra cổ phiếu của chính công ty. Nếu họ tin tưởng vào khả năng của họ, vào sự phát triển của công ty trong tương lai thì sao lại bán ra cổ phiếu?
Những nhà điều hành thường biết vấn đề sắp xảy ra của công ty trước nhiều tháng, và nếu họ không muốn giữ cổ phiếu dài hạn, họ sẽ bán ra để giảm thiệt hại cho bản thân khi điều đó xảy ra.
Nếu mọi việc đang tốt đẹp, họ có xu hướng để yên hoặc mua thêm cổ phiếu để đón lợi nhuận cao hơn trong tương lai.
Thứ hai, xem xét khoản tiền thưởng cho các CEO, CFO.
Một cách đánh giá khác là xem xét khoản tiền lương, thưởng của ban điều hành. Họ điều hành tốt công ty thì xứng đáng có được khoản lương thưởng tốt. Nhưng nếu công ty đang trong tình trạng khó khăn thì sao? Lương thưởng của CEO, CFO vẫn cao thì quả thật không hợp lý.
Điều này cho thấy họ làm việc chủ yếu vì tiền, vì lợi ích của cá nhân họ mà thiếu đi lòng nhiệt thành trong công việc.
Hiển nhiên, bạn cần phải thực tế, hầu như ai cũng làm việc với lý do lớn là tiền bạc, lợi ích cá nhân. Nhưng cũng phải xem giai đoạn, bối cảnh phát triển của công ty, đúng không?
Chúng ta thường thấy các Co-founder của các start up sau khi nhận được tiền từ nhà đầu tư thì bắt đầu tiêu hoang vào văn phòng, các chuyến đi dài ngày bằng vé máy may hạng thương gia,… Bạn cũng sẽ không muốn đầu tư vào các công ty có ban điều hành phung phí trong khi công ty đang không thực sự ăn nên làm ra đúng không?
Thứ ba, có định hướng và mục tiêu táo bạo
Một nhà lãnh đạo giỏi thường có định hướng để thay đổi thế giới theo những cách riêng biệt nào đó, dù một số cách phổ biến vẫn được chấp nhận.
Những nhà lãnh đạo có mục tiêu táo bạo lớn lao có thể làm tăng hứng khởi làm việc và đến công ty không chỉ để làm những việc hằng ngày.
Nói đến nhà lãnh đạo, không thể không nhắc đến Steve Jobs, ông có tài sản đáng giá hàng tỷ đô la và vẫn làm việc hàng ngày cho định hướng, mục tiêu lớn của mình.
Tôi và các bạn hẳn nhiên sẽ không mua cổ phiếu/đầu tư vào công ty nào nếu không thích ban quản lý ở đó.
Đơn giản là vậy!
Trên đây, bạn đã tìm hiểu các phẩm chất của những cổ phiếu tiềm năng để có thể bắt đầu nghiên cứu sâu hơn, khi nào nên mua và bán. Mời bạn đón xem các bài viết tiếp theo của Blog Tôi Đầu Tư.
Kiên Huỳnh – Blog Tôi Đầu Tư
Không liên quan nhưng mà lâu ngày quá không đi quẩy, nay qua blog bác và các anh em quẩy chơi. Ơ cơ mà nội dung của bác em chịu thua luôn, ko biết quẩy :v
Hehe, bài này dễ đọc này bác https://toidautu.com/canh-tinh-nha-dau-tu/
[…] máy bay rơi ở Cộng Hoà Congo Châu phi vào năm 2010. Thế thì có liên quan gì đến đầu tư chứng khoán hay […]
[…] máy bay rơi ở Cộng Hoà Congo Châu phi vào năm 2010. Thế thì có liên quan gì đến đầu tư chứng khoán hay […]